Giới thiệu

Open licenses (Creative Commons)

Giới thiệu về giấy phép Creative Common

Trước khi đi vào tìm hiểu về creative common, chúng ta cần bắt đầu từ khái niệm về quyền tác giả/bản quyền.

Về cơ bản, giống như tài sản và vật chất, sản phẩm từ trí óc, chất xám của một người sẽ được pháp luật bảo vệ vì nó là thành quả lao động của họ, do công sức, tài nguyên, tài năng của người đó tạo nên.

Việc một tác phẩm, sản phẩm từ sự sáng tạo của một người được pháp luật bảo hộ được gọi là bản quyền hay quyền tác giả. Hai thuật ngữ này có nghĩa như nhau và được sử dụng với tần suất thường xuyên như nhau. Tuy nhiên, từ quyền tác giả là từ được sử dụng chính thức trong các văn bản luật tại Việt Nam.

Trong tiếng Anh, quyền tác giả là author’s right, còn bản quyền là copyright. Thực chất, việc sử dụng hai từ tiếng Anh này cũng sẽ bao hàm nghĩa khác về cách hiểu của quyền: author’s right bao hàm cả bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm và coi tác giả là trung tâm, còn copyright lại xuất phát từ khía cạnh thương mại và kinh tế của tác phẩm, chú trọng đến quy định việc sao chép, nhân bản tác phẩm.

Luật pháp Việt Nam và cả quốc tế quy định rằng cả quyền tác giả/bản quyền sẽ có hiệu lực ngay khi tác phẩm được hoàn thành, kể cả tác giả có đăng ký quyền tác giả/bản quyền hay không. Những loại hình tác phẩm được bảo hộ gồm: các tác phẩm văn học, khoa học, sách, văn bản hay các tác phẩm được thể hiện bằng chữ viết và ký tự; bài giảng, bài phát biểu; tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu; tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc; và các chương trình máy tính.

Tác giả đối với tác phẩm của mình sẽ có quyền đặt tên cho tác phẩm; để lại bút danh trên tác phẩm và được nêu bút danh/tên của mình khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc ủy quyền công bố tác phẩm; và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Tác giả cũng có thể làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của mình; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; cho thuê tác phẩm; phân phối tác phẩm; và ủy quyền các quyền trên cho một tổ chức, cá nhân khác.

Hiểu một cách đơn giản, bản quyền/quyền tác giả thể hiện tác giả có toàn quyền và độc quyền sử dụng tác phẩm của mình, tránh việc tác phẩm bị lợi dụng cho mục đích khác bởi những cá nhân, tổ chức khác.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ta có thể sử dụng tác phẩm của người khác mà không cần phải xin phép/xin ủy quyền khi thỏa mãn một trong số những điều kiện sau:

  • Dùng tác phẩm, tài liệu với mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, bình luận hoặc minh họa với trích dẫn chuẩn mực và không làm sai lệch ý của tác giả
  • Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
  • Đối với tác phẩm sân khấu, nghệ thuật thì có thể biểu diễn, trưng bày nhưng không được phép thu phí.
  • Chuyển tác phẩm sang chữ nổi cho người khiếm thị.

Những điều kiện trên mở ra một chút tự do cho tác phẩm, góp phần khiến cho tác phẩm không bị kìm chặt trong những tiêu chuẩn của quyền tác giả. Tuy nhiên, một số tác giả khi phát hành tác phẩm, họ muốn cộng đồng tiếp tục truyền thêm sức sống cho tác phẩm, sử dụng một cách sáng tạo tác phẩm của họ nhưng lại bị bản quyền cản trở. Chính vì thế mà đã xuất hiện 2 lựa chọn thay thế cho Copyright để vừa bảo vệ các quyền của tác giả vừa cho phép cộng đồng sử dụng, sử dụng lại, chia sẻ, phân phối và sửa đổi tác phẩm gốc ban đầu. Đó là Copyleft và các giấy phép Creative Commons.

Copyleft đấu tranh để đưa ra lựa chọn thay thế cho chế độ hà khắc hiện hành về kiểm soát sở hữu trí tuệ. Phong trào này đưa ra khẩu hiệu châm biếm của mình “Bảo vệ những gì sai trái – All wrongs reserved”. (Chế nhạo cụm từ “All rights reserved”, ý nói rằng phong trào này bảo vệ cho tất cả những gì sai trái, theo quan điểm sở hữu trí tuệ hẹp hòi trước đó). Hiện tại, Copyleft trở thành đặc tính của nhiều giấy phép của phần mềm nguồn mở.

Creative Commons (CC) ra đời cũng mang mục đích giải phóng những gò bó của bản quyền. Với giấy phép CC, tác giả có thể cho phép người khác sử dụng tác phẩm với những điều kiện ít khắt khe hơn trong khi vẫn nắm giữ bản quyền của tác phẩm.

Creative Commons, được khởi xướng vào năm 2001, bao trùm các khái niệm về quyền tự do của việc chia sẻ, sử dụng lại và sửa đổi các nội dung hàn lâm và nghệ thuật để tái tạo và tối ưu hóa việc sử dụng tri thức. Creative Commons trong môi trường học thuật trở thành những cái chung của khoa học (Science Commons) đảm bảo truy cập mở tới tư liệu và dữ liệu nghiên cứu.

Cụ thể, khi chia sẻ tác phẩm của mình bằng giấy phép CC, các tác giả cân nhắc những quyền mà mình muốn giữ lại và những quyền mà mình từ bỏ để tìm một giấy phép phù hợp với mục đích của mình. Bao gồm những giấy phép:

  • CC-BY (Attribution): Giấy phép này cho phép người khác phân phối, phối lại, điều chỉnh lại tác phẩm, sáng tạo các tác phẩm phái sinh, thậm chí có thể sử dụng với mục đích thương mại, miễn là họ ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc. 
  • CC-BY-SA (Attribution-Share Alike): Giấy phép này cho phép người khác phân phối, phối lại, điều chỉnh lại tác phẩm, sáng tạo các tác phẩm phái sinh, thậm chí có thể sử dụng với mục đích thương mại, miễn là họ ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc. Ngoài ra, họ phải dùng giấy phép tương tự cho các tác phẩm phái sinh của họ.
  • CC-BY-NC (Attribution-NonCommercial): Giấy phép này cho phép người khác phân phối, phối lại, điều chỉnh lại tác phẩm, sáng tạo các tác phẩm phái sinh, miễn là họ ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, họ không thể sử dụng những tác phẩm này với mục đích thương mại. Họ không cần phải dùng giấy phép tương tự cho các tác phẩm phái sinh của họ.
  • CC-BY-ND (Attribution-NoDerivs): Giấy phép này cho phép người khác phân phối lại tác phẩm cho bất kỳ mục đích nào, kể cả thương mại; miễn là khi nó được phân phối mà không có bất kỳ sự thay đổi nào về tổng thể và ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc.
  • CC-BY-NC-SA (Attribution-NonCommercial-ShareAlike): Giấy phép này cho phép người khác phân phối, phối lại, điều chỉnh lại tác phẩm, sáng tạo các tác phẩm phái sinh, miễn là họ ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, họ không thể sử dụng những tác phẩm này với mục đích thương mại. Khác với CC-BY-NC, các tác phẩm phái sinh của họ cũng phải có giấy phép tương tự.
  • CC-BY-NC-ND (Attribution-NonCommercial-NoDerivs): Đây là giấy phép hạn chế nhất của CC. Người sử dụng chỉ có thể tải tác phẩm xuống và chia sẻ nguyên bản tác phẩm miễn là họ ghi nhận tác giả của tác phẩm gốc. Họ không thể phối lại, điều chỉnh lại tác phẩm, sáng tạo các tác phẩm phái sinh và không thể sử dụng với mục đích thương mại.
CC-BY CC-BY-SA CC-BY-NC CC-BY-ND CC-BY-NC-SA CC-BY-NC-ND
Ghi nhận x x x x x x
Phân phối x x x x x x
Thương mại x x x
Tạo tác phẩm phái sinh x x x x
Dùng giấy phép tương tự x x

Tài liệu tham khảo:

What We Do – Creative Commons

Lợi ích của tài nguyên giáo dục mở – TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ (OER) – All guides at RMIT University (libguides.com)

Tham khảo thêm:

Cách để Cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục bằng công cụ trợ giúp của Creative Commons (wikihow.vn)

Cách để Ghi công tác giả cho tài nguyên giáo dục được cấp phép mở bằng công cụ trợ giúp của Creative Commons (wikihow.vn)

15,626
Lượt truy cập
5,256
Tài liệu nghiên cứu
359
Lượt tải về mỗi ngày
150
Tác giả