Toàn cảnh về truy cập mở

Plan S chính thức có hiệu lực vào tháng 1 năm 2021. Nhân dịp này, hãy cùng tìm hiểu tổng quan về mô hình xuất bản truy cập mở – một xu hướng được cho là sẽ chiếm lĩnh thế giới xuất bản học thuật trong thời gian tới. Cùng với đó là những bàn luận thú vị cho câu hỏi: truy cập mở có là tương lai của xuất bản học thuật? 

Vào năm 2018, một nhóm bao gồm chủ yếu là các nhà tài trợ châu Âu đã đem tới một cú sốc đối với thế giới học thuật, với một quy định chưa có tiền lệ: Những nhà khoa học mà họ tài trợ bắt buộc phải để các bài báo (được viết với tài trợ đó) dưới dạng truy cập mở miễn phí ngay sau khi nó được công bố.

Quy định này chính thức có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021, và có khả năng làm đảo lộn toàn bộ ngành xuất bản học thuật truyền thống. Kế hoạch này được gọi là Plan S, được triển khai với mong muốn có thể loại bỏ bức tường phí và đẩy nhanh tốc độ khoa học bằng cách cho phép các phát hiện nghiên cứu được lan tỏa miễn phí. Đây là một chuyển biến lớn trong lĩnh vực truyền thông nghiên cứu có khởi đầu từ 20 năm trước nhưng gần đây đang tăng tốc chóng mặt.

Các nhà khoa học có nhiều cách thức để tuân thủ với quy định của Plan S, họ có thể lựa chọn phương án truy cập mở có sẵn ở một số nhà xuất bản (trả thêm một khoản phí để bài báo được công bố dưới dạng truy cập mở), hoặc đăng tải bản thảo lên một cơ sở dữ liệu công cộng nơi mà ai cũng có thể đọc và tải miễn phí. Đây là lệnh thi hành lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của (tính đến hiện tại) 17 cơ quan và 6 quỹ, trong đó có Wellcome Trust và Howard Hughes Medical Institute – hai nhà tài trợ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh.

Nhóm các nhà tài trợ có tên là Coalition S (Liên minh S) này đang chưa thực sự thực hiện được mong muốn ban đầu của họ là tạo ra một động thái mang tính quốc tế. Các nhà xuất bản hàng đầu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ đều thể hiện tinh thần ủng hộ truy cập mở, nhưng đều chưa tham gia vào Plan S. Lệnh thi hành trên tính ra cũng chỉ áp dụng cho những tác giả có khối lượng sản xuất học thuật chiếm khoảng 6% lượng bài báo trên thế giới (theo số liệu 2017 của Clarivate).

Tuy vậy, vẫn có nhiều lý do để tin rằng Liên minh S sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Vào năm 2017, 35% số bài báo công bố trên Nature và 31% số công bố trên Science có nhận tài trợ từ ít nhất một đơn vị thành viên trong Liên minh S. Rooryck – giám đốc điều hành của Liên minh S – chia sẻ rằng “Những nhà khoa học xin được tài trợ từ các thành viên của Liên minh S đều là những người sáng giá và có tiềm năng công bố những bài báo có sức ảnh hưởng”. 

Nhiều những phát triển khác trong thời gian gần đây cho thấy sự ủng hộ to lớn dành cho truy cập mở. Năm 2017, lần đầu tiên, phần lớn những bài báo tin tức ở khắp các lĩnh vực học thuật đều được xuất bản dưới dạng truy cập mở, theo Curtin Open Knowledge Initiative (Sáng kiến tri thức mở Curtin). Gần đây nhất, phần lớn các nhà xuất bản uy tín đều đã bỏ bức tường thu phí cho các bài báo về COVID-19, đây là một nỗ lực đẩy nhanh tốc độ điều chế vắc-xin và phát triển các phương pháp điều trị.

Truy cập mở mang lại lợi ích gì cho các nhà khoa học?

Tranh: Aleksandar Savić/Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Các tác giả xuất bản các công trình của họ dưới dạng truy cập mở chắc chắn sẽ thu được lợi ích, nhưng lợi ích tới đâu còn phụ thuộc vào việc ta lấy cái gì làm thước đo.

Xét về chỉ số ảnh hưởng của bài báo, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lượng trích dẫn của các bài báo truy cập mở cao tới gấp 3 lần so với những bài báo thu phí. Tuy vậy, các tác giả thường có xu hướng công bố các công trình tốt nhất của họ dưới dạng truy cập mở, khiến cho lượng trích dẫn lại càng nhiều. Một phân tích gần đây kiểm soát biến trên lại nhận thấy rằng, lượng trích dẫn của các nghiên cứu truy cập mở chỉ cao hơn ở một mức khiêm tốn là 8%, và con số này cũng chỉ áp dụng với một số ít các bài báo “ngôi sao”.

Các nghiên cứu khác lại nhận thấy rằng các bài báo truy cập mở có lượng truy cập lớn hơn xét theo các thước đo khác, bao gồm số lượng tải về và lượng đọc trực tuyến. Chúng cũng dẫn trước xét về điểm Altmetric – một thước đo tổng hợp số lần được nhắc tới trên mạng xã hội, tin tức và văn bản chính sách của một nghiên cứu.

Nhìn chung, nhiều báo cáo cũng cho thấy truy cập mở giúp kết quả nghiên cứu tới được nhiều độc giả ngoài cộng đồng khoa học. Trong báo cáo tháng 11 năm 2020 của Springer Nature và đối tác, kết quả từ một khảo sát trên 6000 người truy cập vào website của họ cho thấy có tới 28% là độc giả đại chúng, bao gồm cả bệnh nhân, giáo viên, luật sư. 15% khác thì có làm công việc liên quan tới y khoa mà cần họ phải đọc nghiên cứu nhưng không cần họ phải làm nghiên cứu.

Ngay cả với những giảng viên/nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học, những người mà có thể truy cập các tạp chí trả phí thông qua thư viện của trường họ, thì truy cập mở vẫn cho phép họ có thể truy cập nhanh hơn vào các bài báo thuộc các tạp chí mà trường họ không đăng ký. Khoảng 57% học giả được khảo sát nói rằng họ “gần như là luôn luôn” hoặc “thường xuyên” gặp khó khăn trong việc truy cập được nội dung đầy đủ của các bài báo thuộc Springer Nature.

Phí xuất bản có chấp nhận được đối với các nhà nghiên cứu hay không?

Nơi mà nhà nghiên cứu làm việc có ảnh hưởng lớn tới việc có sẵn bao nhiêu tiền được chi cho phí xuất bản truy cập mở. Ở châu Âu, các cơ sở nghiên cứu thường sử dụng các quỹ nội bộ để trả phí cho 50% các bài báo mà các tác giả đăng tải trên các tạp chí hỗn hợp, nhưng con số này ở phần còn lại trên thế giới chỉ là 25%. Các nhà nghiên cứu thường phải xin thêm tài trợ từ nhiều nguồn khác, đôi khi là phải tự mình bỏ ra. Các học giả châu Âu báo cáo rằng họ phải tự bỏ tiền túi cho chỉ khoảng 1% số bài báo, trong khi ở các đất nước khác con số này là 16%.

Chính sách truy cập mở mới được Nature công bố gần đây với phí APC lên tới 9500 EUR cho một bài báo đã dấy lên nhiều tranh cãi, với nhiều học giả cho rằng mức phí đó là “điên rồ”. Không những vậy, trái với kỳ vọng thông thường rằng phí xuất bản gia tăng sẽ tương ứng với mức độ uy tín của tạp chí, nghiên cứu mới đây của Schönfelder lại cho thấy một kết quả khác. Mức phí phải trả của các nhà tài trợ Anh và chỉ số ảnh hưởng (impact factor) của tạp chí (mà các nhà nghiên cứu sử dụng tài trợ đó công bố) có tương quan chặt chẽ ở các tạp chí chỉ xuất bản dưới hình thức truy cập mở, trong khi mối quan hệ này ở các tạp chí hỗn hợp lại yếu hơn. Trong khi đó, tạp chí hỗn hợp thường tốn phí cao hơn so với các tạp chí thuần truy cập mở.

“Các nhà xuất bản truyền thống lớn như Elsevier và Springer Nature chiếm cổ phần lớn trong thị trường xuất bản và vận hành với ít áp lực cạnh tranh. Nếu những hành vi thu phí của họ thực sự chiến thắng, thì sự chuyển biến sang truy cập mở sẽ còn tới với một mức phí cao hơn cả chúng ta dự đoán hôm nay,” Schönfelder viết.

Sự chuyển đổi hoàn toàn sang truy cập mở có thể khiến các nhà xuất bản tăng mức phí lên cao hơn nữa, để bù lại phần doanh thu bị mất đến từ phí đăng ký tạp chí. Trong khi có khoảng trên 30% các bài báo công bố trong năm 2019 được trả tiền để xuất bản dưới dạng truy cập mở, phí đăng ký tạp chí vẫn chiếm tới hơn 90% doanh thu của các nhà xuất bản năm đó (theo dữ liệu của Delta Think).

Liên minh S đang tìm cách để gây áp lực lên việc thu phí thông qua các yêu cầu gia tăng tính minh bạch. Khi một nghiên cứu do họ tài trợ được công bố, Plan S yêu cầu nhà xuất bản phải đưa ra bản kê khai các phí được sử dụng để xuất bản  bài báo đó, bao gồm chi phí của các dịch vụ như hiệu đính, sao chép và biên tập hay sắp xếp quá trình bình duyệt đồng nghiệp. Rooryck nói rằng liên minh sẽ chia sẻ thông tin này cho các tác giả và các thư viện, với hy vọng rằng thực hành này sẽ làm gia tăng cạnh tranh chi phí hoặc ít nhất là để thuyết phục rằng những mức phí như vậy là phù hợp.

Ai còn e ngại về truy cập mở?

Mặc dù lợi ích của truy cập mở đã được công nhận rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, thư viện và nhà làm chính sách, vẫn còn nhiều người chần chừ trong việc tiến tới chuyển đổi hoàn toàn.

Ngay cả ở châu Âu, nơi mà có nhiều động thái ủng hộ truy cập mở mạnh mẽ, Plan S vẫn là một kế hoạch lạ thường. Trong số 60 nhà tài trợ được khảo sát vào năm 2019, chỉ có 37 là có một chính sách truy cập mở. Ngay cả các nhà nghiên cứu cũng còn nhiều băn khoăn. Nhiều khảo sát đã chỉ ra các tác giả vẫn xếp việc công bố truy cập mở ở dưới nhu cầu công bố trên các tạp chí uy tín, có ảnh hưởng lớn để xin biên chế và thăng chức. Và họ vẫn còn cảnh giác vì một nhận định chung trong giới học giả rằng các tạp chí thuần truy cập mở thì thường có chất lượng biên tập kém nghiêm ngặt.

Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng những nhà nghiên cứu có nền tảng vững chắc, có nhiều tài trợ và công tác tại các cơ sở uy tín cũng thường trả phí để công bố nghiên cứu của họ dưới dạng truy cập mở hơn. Anthony Olejniczak và Molly Wilson khi phân tích các biến nhân khẩu học và mẫu hình công bố của hơn 180.000 học giả người Mỹ đã nhận thấy rằng, các tác giả từng công bố truy cập mở có vị trí trong trường cao hơn, có trợ cấp liên bang và làm việc tại một trong 65 trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong Hiệp hội Đại học Hoa Kỳ.

Hai tác giả nhận định rằng các nhà khoa học lựa chọn phương án truy cập mở không chỉ cần nguồn lực tài chính mà còn cần cả cảm giác ổn định về công việc mà các vị trí biên chế mang lại. Vì thế, các nhà xuất bản cần xem xét các cách thức để hướng tới đa dạng các tác giả hơn. 

Truy cập mở có là tương lai của xuất bản học thuật?

Nếu như việc trả phí để xuất bản truy cập mở trở thành con đường mặc định cho các nhà khoa học, và các nhà xuất bản vẫn được chơi bời trên đống chi phí cao ngất như dự đoán, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc công bố sẽ trở thành một việc xa xỉ mà chỉ có những nhà nghiên cứu có nguồn tài trợ tốt hơn mới có thể chi trả. Nó sẽ tạo ra một vòng tròn khi mà các nhà nghiên cứu đó  công bố được nhiều hơn, từ đó lại thu hút được nhiều chú ý hơn và xin được nhiều tài trợ hơn.

Nếu viễn cảnh đó thực sự xảy ra, các nhà nghiên cứu mới vào nghề, các tác giả đến từ các nước đang phát triển hay kể cả những người nghiên cứu trong các lĩnh vực thường có ít tài trợ hơn (như toán học) sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù các nhà xuất bản có các hỗ trợ cho các tác giả khó khăn, thì phần lớn thường không miễn phí toàn bộ hay công khai phần trăm miễn giảm.

Các nhà xuất bản nhỏ, phi lợi nhuận đang sống dựa vào chi phí đăng ký từ các tạp chí của họ cũng có thể bị khai trừ trong một thế giới truy cập mở, bởi cách vận hành của mô hình trả tiền để xuất bản thường ưu ái các nhà xuất bản và các tạp chí sản xuất một lượng lớn các bài báo, mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô. Sudip Parikh, CEO của AAAS – nhà xuất bản của các tạp chí dòng họ Science, lo ngại rằng nỗ lực để kết quả nghiên cứu có thể truy cập dễ dàng của giới khoa học lại đang gây hại tới các tổ chức khoa học nhỏ khác. 

Một mô hình truy cập mở bền vững, không dựa vào phí xuất bản của mỗi bài báo mà chúng ta có thể tham khảo là mô hình đến từ các nước Mỹ Latinh. Brazil và nhiều quốc gia khác đã tài trợ cho việc lập ra các tạp chí truy cập mở và các cơ sở dữ liệu bài báo miễn phí, và khu vực này trong năm 2019 có số lượng bài báo khoa học truy cập mở cao nhất thế giới, chiếm tới 61% số bài báo truy cập mở toàn cầu.

Các tranh luận về việc kiểm soát chi phí xuất bản như thế nào vẫn tiếp diễn. Nhiều nhà vận động ủng hộ truy cập mở nói rằng để khiến cho phí này phải chăng hơn sẽ cần một chuyển biến cực kì lớn trong văn hóa khoa học. Cụ thể, các hội đồng xét duyệt biên chế và thăng chức sẽ cần hạ thấp tiêu chuẩn của họ xuống – tiêu chuẩn yêu cầu các tác giả xuất bản trên các tạp chí uy tín tốn kém

Nhưng một số lại cho rằng ngay cả khi các nhà tài trợ và các cơ sở nghiên cứu hỗ trợ thêm chi phí để giúp các nhà khoa học công bố truy cập mở, thì tiềm năng nâng cao các khám phá khoa học cũng sẽ hợp lý hóa chi phí gia tăng. Doanh thu thường niên của ngành công nghiệp xuất bản học thuật rơi vào khoảng 10 tỉ USD, ít hơn 1% lượng chi phí tổng cộng chúng ta đang đổ vào R&D – và theo góc nhìn này, cũng hợp lý khi chuyển hướng thêm các phần trong lượng chi phí trên vào xuất bản học thuật, thứ cốt lõi giúp vận hành toàn bộ nền công nghiệp R&D.

Có lẽ sẽ rất khó để tưởng tượng ra một ngày tất cả các bài báo khoa học đều ở dưới dạng truy cập mở. Rick Anderson, thủ thư tại Đại học Brigham Young, người nghiên cứu nhiều về các mô hình kinh doanh của xuất bản học thuật, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rằng các rào cản để tiến tới truy cập mở toàn cầu là quá lớn. Mọi mô hình truy cập mở đều giúp giải quyết được một số vấn đề nhưng lại tạo ra nhiều vấn đề khác.”

“Tôi tin vào một viễn cảnh sẽ xảy ra và gần như không thể tránh khỏi về sự gia tăng tính đa dạng trong cả hai mô hình truy cập mở và trả phí đăng ký. Chưa điều gì thuyết phục được tôi rằng việc mô hình đăng ký trả phí sẽ biến mất hoàn toàn trong tương lai”

Linh Chi dịch