Chính sách truy cập mở của Nature có đang củng cố tình trạng bất bình đẳng trong khoa học?
Nhà xuất bản Springer Nature mới đây đã công bố các điều khoản mới cho phép các nhà nghiên cứu xuất bản các kết quả nghiên cứu ở dạng truy cập mở trên Nature và 32 tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao thuộc “dòng họ” Nature. Bắt đầu từ tháng Một năm 2021, nhà xuất bản này sẽ thu 9500 EUR (≈11.390 USD, ≈63.282.477 VND) nếu như nhà nghiên cứu lựa chọn đăng tải nghiên cứu của mình dưới dạng truy cập mở [1].
Springer Nature cũng thông báo một phương án thử nghiệm khác cho 6 tạp chí của mình. Phương án này cho phép các tác giả chỉ cần nộp bản thảo một lần nhưng sẽ được 6 tạp chí khác nhau này cân nhắc đăng tải. Đi kèm với quyền lợi này, các tác giả sẽ phải nộp một khoản phí không bồi hoàn khoảng 2.190 EUR ( ) cho quá trình phản biện đồng nghiệp và đánh giá của biên tập viên. Đổi lại, họ sẽ nhận được một văn bản phản biện chi tiết hơn các phản biện thông thường khác và các gợi ý về việc tạp chí nào thuộc Springer Nature sẽ phù hợp nhất với bản thảo của họ. Các tác giả sẽ nộp thêm phí tuỳ vào tạp chí chấp nhận bản thảo.
Giới xuất bản học thuật đã dự đoán trước được việc này khi Springer đã thông báo về một thỏa thuận truy cập mở với Hiệp hội Max Planck của Đức vào tháng trước [2]. Đây được coi là một động thái được thúc đẩy bởi Plan S, một sáng kiến tập hợp nhiều nhà tài trợ lớn, với yêu cầu các nghiên cứu được tài trợ bởi các tổ chức này phải công bố kết quả dưới dạng truy cập mở. Sau khi Kế hoạch S được tuyên bố, các nhà xuất bản của các tạp chí lớn như Nature và Science đã cho thấy các nỗ lực trong việc chuyển đổi mô hình xuất bản sang truy cập mở.
Chi phí quá lớn
Nhiều nhà vận động truy cập mở hài lòng với việc một trong các nhà xuất bản học thuật uy tín nhất này đang khám phá nhiều cách thức để chuyển đổi mô hình xuất bản. Nhưng họ cũng đưa ra nhiều lo ngại về chi phí. Phí APC cao nhất từ trước tới nay rơi vào khoảng dưới 5.000 EUR, thấp hơn nhiều so với mức phí 9.500 EUR mà Springer đưa ra.
Nhiều học giả đến từ các nước đang phát triển cho rằng đây là một mức phí vô lý. “9.500 EUR là nhiều hơn cả thu nhập trong một năm của một nhà vi sinh vật, di truyền học ở đất nước tôi,” Senjuti Saha, một nhà khoa học tại Bangladesh chia sẻ sự lo lắng của mình. Shriprakash Kalantri, giáo sư tại Viện Y khoa Mahatma Gandhi (Ấn Độ) cũng đưa ra nhận định tương tự: “9.500 EUR là tương đương với mức lương hàng năm của một phó giáo sư trong một trường Y ở Ấn Độ,” [3]. Trong khi đó, những nước này dù ngày càng nỗ lực đầu tư ngân sách cho khoa học, vẫn thua kém hơn nhiều những nước phát triển [4,5].
Nhiều người cũng nhận định rằng Nature đã đi ngược lại với tuyên bố gần đây của họ về cam kết nỗ lực thúc đẩy tính đa dạng trong khoa học, khi mức phí đắt đỏ này sẽ khiến càng nhà khoa học đến từ các nước thu nhập thấp & trung bình càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc công bố bài báo ở các tạp chí uy tín của Nature.
Ashley Farley, phụ trách Dịch vụ Tri thức & Nghiên cứu tại Quỹ Bill & Melinda Gates, cho rằng cái giá cho khoa học mở như vậy là quá lớn, việc đưa ra một chi phí cao như vậy sẽ ngăn cản các tác giả đến từ các nước thu nhập thấp & trung bình tham gia vào các dòng chảy diễn ngôn khoa học đang diễn ra trên các tạp chí chất lượng. Một số cũng lo ngại rằng việc này sẽ vô tình khuyến khích các hợp tác “bóc lột” có lợi cho các cơ sở học thuật có điều kiện (chủ yếu là ở Mỹ và châu Âu). Peter Suber, giám đốc Văn phòng Truyền thông Học thuật tại Harvard cho rằng đây chỉ là “phí uy tín”, bởi vì chi phí cao này chỉ để trả cho tỉ lệ từ chối cao, nhưng chưa chắc đảm bảo được chất lượng cao hơn [6].
Góc nhìn từ nhà xuất bản
Trước những chỉ trích này, James Butcher, phó chủ tịch tạp chí tại Nature Portfolio & BMC đã đại diện đưa ra các quan điểm của tạp chí. Butcher phát biểu rằng, NXB hiểu những lo ngại hợp lý của các tác giả đến từ các nước đang phát triển, tuy vậy đây là một chi phí hợp lý nhìn nhận từ góc độ chi trả cho nhân sự và bộ máy vận hành chất lượng của tạp chí [7].
Xét trong năm 2019, các biên tập viên của Nature đã phải xem xét khoảng hơn 57.000 bản thảo, gửi đi hơn 10.000 phản biện. Trong số đó chỉ có khoảng 4.500 bản thảo được công bố, tương đương với tỉ lệ chấp nhận khoảng 8%. “Khi bạn từ chối một tỉ lệ bài báo cao như vậy, chi phí vận hành cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với các tạp chí khác”, Curtis Brundy, thủ thư tại Đại học Bang Iowa chia sẻ [8].
Theo Butcher, một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của các tạp chí dòng họ Nature là nhóm nhân viên nội bộ của họ – bao gồm gần 300 nhân viên toàn thời gian, trong đó có 193 tiến sĩ làm công việc biên tập viên và chưa tính tới nhân sự thuộc các bộ phận khác. Duy trì bộ máy nhân sự này tương đương với một chi phí rất lớn.
NXB này vẫn đang thảo luận các phương án để có thể hỗ trợ các nhà khoa học đến từ các nước thu nhập thấp và trung bình. Trước mắt, các tác giả không có điều kiện chi trả vẫn có thể lựa chọn phương án xuất bản dưới mô hình người đọc trả tiền (subscription-based). Sau 6 tháng cấm vận, họ vẫn có thể đăng tải lại nghiên cứu của mình ở các nền tảng miễn phí khác.
Một mô hình xuất bản có vấn đề
Vấn đề của ngành công nghiệp xuất bản lớn hơn nhiều thông báo mới nhất này của Nature. Giới học thuật đang ngày càng có nhiều chỉ trích và phẫn nộ về mô hình xuất bản hiện tại khi mà nó rõ ràng đang phục vụ cho lợi ích thương mại của các nhà xuất bản. Không những vậy, nhiều người cho rằng mô hình này cũng không đem lại lợi ích cho các nhà khoa học, quỹ tài trợ, các trường đại học hay thậm chí là chính khoa học.
“Thông báo mới này của Nature một lần nữa củng cố những quan điểm độc hại của các nhà xuất bản thương mại về giới xuất bản học thuật, cho phép họ độc quyền kiểm soát mức giá cho các dịch vụ khiến cộng đồng học thuật tiếp tục có một sự phụ thuộc không lành mạnh vào việc xuất bản ở một số lượng nhỏ các tạp chí. Mức phí trên chỉ là bước tiến mới nhất trên con đường loại bỏ số lượng lớn các nhà khoa học [khỏi sân chơi xuất bản] và củng cố tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại trong hệ thống xuất bản học thuật, trong trường hợp không bị kiểm soát. Đã quá thời điểm để các chính phủ và các tổ chức học thuật có thể phát triển các chiến lược quốc gia và các hợp tác toàn cầu để tái thiết lập những ưu tiên của việc xuất bản để hướng đến phục vụ lợi ích chung.”, Virginia Barbour, Giám đốc Nhóm Chiến lược Truy cập mở Úc nhận định [6].
“Cán cân này vốn đã nghiêng về phía những cá nhân có khả năng chi trả các phí xuất bản. Thật tệ khi phải chứng kiến sự bất công này càng trở nên nặng nề hơn.
Chính văn hoá “xuất bản hay lụi tàn” của giới học thuật, sự ám ảnh với “chỉ số ảnh hưởng” và “trích dẫn” là một phần mang tới cho những nhóm như Springer Nature và Elsevier đặc quyền xây dựng các thương hiệu “cao cấp”, từ đó khai thác không lành mạnh các nhà nghiên cứu và các trường đại học [6].
Các nhà khoa học và các trường đại học cần phải chống lại việc này bằng cách thay đổi các tiêu chuẩn, không mù quáng chạy theo các tạp chí và các thương hiệu lớn. Các trường đại học cần ngừng chính sách thưởng tiền cho các bài báo được đăng ở những tạp chí như vậy. Chất lượng của nghiên cứu cần được coi trọng hơn việc nó được xuất bản ở đâu. Nếu chúng ta có thể thực hiện được việc này, các nhu cầu chạy theo các tạp chí “cao cấp” sẽ lung lay.
Linh Chi tổng hợp
Tài liệu tham khảo
[1] Van Noorden, R. (2021). Science family of journals announces change to open-access policy. Nature.
[2] Richard Van Noorden. (October 20, 2020). Nature journals announce first open-access agreement. Nature
[3] Andrei, M. (December 01, 2020). Home Other Pieces Nature’s €9,500 open-access trial is showing just how absurd scientific publishing has become. ZMEScience.
[4] Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5] Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng. (2008). Bối cảnh tài chính Việt Nam 1997-1998 và 2007-2008: Khoảng cách và biến đối. Nghiên cứu Kinh tế, 48(7), 3-24.
[6] Pai, M. (November 31, 2020). How Prestige Journals Remain Elite, Exclusive And Exclusionary. Forbes.
[7] Brainard, J. (2020). Nature journals ink open-access deal. Science.
[8] Seltzer, R. (November 24, 2020). Open Access Comes to Selective Journal. Inside Higher Ed.