Sự biến mất của hàng trăm tạp chí khoa học truy cập mở

84 tạp chí truy cập mở (open-access – OA) trực tuyến trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, và gần 100 tạp chí nữa trong lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn đã biến mất khỏi internet trong vòng 2 thập kỉ vừa rồi, tương đương với một lượng lớn những kết quả nghiên cứu. Đây là kết quả được ghi nhận bởi một bài preprint được đăng tải vào ngày 3 tháng 9 trên arXiv. Elizabeth Lightfoot – một thủ thư ở trường Đại học Quốc tế Florida – nhận xét rằng, nghiên cứu này đã đưa ra được một “trường hợp thú vị” cho thấy sự mong manh của các tạp chí trực tuyến. 

Laakso – một trong các tác giả của nghiên cứu – cho biết rằng, có nhiều lý do để một tạp chí biến mất trên internet. Có thể là vì các nhà xuất bản ngừng trả tiền để duy trì trang web của tạp chí, hoặc do tạp trí đó được lưu trữ trên một nền tảng trực tuyến trực thuộc một cơ sở học thuật, và bị bỏ lại khi trang web hoặc máy chủ của cơ sở đó cập nhật. Các tạp chí thường sẽ được lưu giữ trên các kho lưu trữ kỹ thuật số khi chúng không còn hoạt động. Có những dịch vụ thương mại cung cấp dịch vụ lưu trữ như chương trình LOCKSS của Thư viện Đại học Stanford; và ít nhất là có Pucblic Knowledge Project Preservatin Network – một sáng kiến phối hợp giữa nhiều trường đại học – cung cấp dịch vụ này miễn phí. Nhìn chung, khoảng một phần ba trong số các 14,068 tạp chí được chỉ mục trong Thư mục các tạp chí truy cập mở (Directory of Open Access JournalsDOAJ) năm 2019 có đảm bảo việc lưu giữ lâu dài các nội dung của nó. Nhưng cũng có hàng trăm các tạp chí bị lọt ra khỏi quy trình bảo quản này.

Việc xác định danh tính cũng như các thông tin 176 tạp chí đã biến mất là rất khó khăn bởi các manh mối về chúng rất rời rạc. Không có nền tảng nào theo dõi hoạt động của các tạp chí mở. Những nền tảng như Thư mục các tạp chí truy cập mở (Directory of Open Access JournalsDOAJ) không theo dõi các tạp chí đã ngừng xuất bản, và các tạp chí khi ngừng hoạt động cũng thường biến mất một cách rất lặng lẽ. Nhóm tác giả đã phải thu thập thủ công các dữ liệu lịch sử từ nhiều danh mục, kiểm tra trên những nền tảng lưu trữ tạp chí và lưu trữ các dữ liệu internet nói chung. Mặc dù 176 không phải một con số lớn, nhưng các tác giả cũng thừa nhận nhiều hạn chế trong quá trình tìm kiếm và cho rằng con số thực sự sẽ còn lớn hơn thế. Kết quả phân tích nhận thấy rằng trung bình các tạp chí này đã hoạt động khoảng 7 năm trước khi biến mất, và còn tồn tại thêm 1-2 năm nữa kể từ khi ngưng xuất bản. Các tác giả đã sử dụng “vòng đời” này để ước lượng cũng như cảnh báo rằng có khoảng 900 tạp chí hiện đang được xuất bản online cũng đang trong nguy cơ bị xoá sổ.

Khoảng nửa trong số các tạp chí bị mất là các tạp chí thuộc các cơ sở nghiên cứu và các tổ chức học thuật; nhưng không có tổ chức nào là một cái tên lớn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Cũng không có tạp chí nào trong số đó được sản xuất bởi một nhà xuất bản thương mại lớn. Phần lớn các tạp chí bị biến mất được xuất bản ở khu vực Bắc Mỹ – khu vực mà có văn hoá học thuật không coi trọng giá trị của tạp chí mở. Tuy vậy các tác giả cũng nhấn mạnh rằng tính toàn vẹn của nghiên cứu và sự bảo quản các hồ sơ học thuật đều đang trong tình trạng nguy cơ đối với tất cả các lĩnh vực học thuật và khắp mọi vùng địa lý.

Nghiên cứu này không bao gồm các tạp chí hoạt động theo mô hình người đọc trả tiền (subscription-based). Nhưng những tạp chí như vậy chắc chắn là có lợi thế hơn so với các tạp chí OA trong việc lưu trữ. “Các nội dung của mô hình người đọc trả tiền vốn được lưu trữ tốt hơn bởi các thư viện, thông qua việc có các bản in giấy hoặc điện tử. Thư viện có các quy trình, chi phí và văn hoá đã được thiết lập vững chắc để lưu trữ các nội dung có trả phí, trong khi những thứ ngoài kia có sẵn để bất cứ ai cũng có thể tải về miễn phí thì chưa được tích hợp vào những quy trình như vậy, và do đó luôn có nguy cơ sẽ bị lọt mất nếu như nhà xuất bản biến mất”, Laakso nhận định. 

Có ít sự nhất trí về việc ai là người chịu trách nhiệm cho việc lưu trữ điện tử các tạp chí OA – nhà xuất bản, tác giả, thư viện hay các trường đại học? Việc lưu trữ các tạp chí OA có thể sẽ gây ra một thử thách tài chính lớn đối với các nhà xuất bản không tính phí các tác giả việc xuất bản bài báo. Quỹ chi phí của thư viện thì đang phải đối mặt với việc bị cắt giảm hoặc có nguồn thu rất nhỏ. Các bài báo trong các tạp chí đã biến mất có thể vẫn còn được lưu trữ trong kho lưu trữ của các trường đại học – một dạng lưu trữ được gọi là “green open access” (truy cập mở xanh) – nhưng không phải tổ chức hay nhà tài trợ nào cũng cho phép các bản thảo được lưu trữ ở các kho như vậy. Thib Guicherd-Callin – giám đốc thường vụ của Chương trình LOCKSS – chia sẻ rằng, mặc dù nhu cầu cho việc lưu trữ các công trình nguy cơ là rất lớn, tuy vậy nỗ lực để tiến hành các sáng kiến lưu trữ nhìn chung là rất khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Rất ít cơ sở cung cấp đủ nguồn lực cần thiết để thực thi một kế hoạch lưu trữ kỹ thuật số. 

Laakso lưu ý rằng, có rất nhiều dự đoán về việc các tạp chí OA chính là tương lai của lĩnh vực xuất bản học thuật. Tuy vậy, nghiên cứu của ông đã gợi lên một ý rằng “có lẽ chúng ta nên dành thêm một chút thời gian xem xét các khía cạnh có vấn đề mà có thể cải thiện khi mô hình xuất bản đang trong tiến trình phát triển.”

 

Linh Chi tổng hợp

Theo: EdLab Asia 

Tài liệu tham khảo

Brainard, J. (2020). Dozens of scientific journals have vanished from the internet, and no one preserved them. Science. https://www.sciencemag.org/news/2020/09/dozens-scientific-journals-have-vanished-internet-and-no-one-preserved-them 

Kwon, D. (2020). More than 100 scientific journals have disappeared from the Internet. Nature. https://www.nature.com/articles/d41586-020-02610-z  

Laakso, M., Matthias, L., & Jahn, N. (2020). Open is not forever: a study of vanished open access journals. arXiv preprint arXiv:2008.11933. https://arxiv.org/abs/2008.11933 

 1: Khi tác giả công bố bài báo của mình ở một tạp chí và sau đó tự lưu trữ một bản sao chép bài báo ở một nền tảng trực tuyến truy cập miễn phí khác